Trang

Thứ Ba, 2 tháng 4, 2019

Các yếu tố ảnh hưởng đến độ bám dính của quá trình tráng ghép nóng

1.. ĐẶC TÍNH BỀ MẶT
Đây là yếu tố quan trọng hàng đầu ảnh hưởng đến độ dính của lớp nhựa tráng ghép lên bề mặt cần tráng. Độ bám dính có thể so sánh tương đối với những tình huống như sau:
- Bề mặt cần tráng có cấu trúc xốp (có các khe rãnh trên bề mặt) sẽ dễ bám dính và có độ kết dính cao hơn so với bề mặt bóng láng. Điều này có thể giải thích là do bề mặt xốp có diện tích tiếp xúc nhiều hơn và chúng cho phép nhựa tráng tạo các mấu liên kết "âm dương" với bề mặt.
- Bề mặt phân cực có độ bám dính tốt hơn bề mặt không phân cực. Vì thế những bề mặt được xử lý plasma, corona sẽ cho độ bám dính cao hơn. Ngoài ra người ta còn có thể tạo phân cực bề mặt bằng việc áo phủ lớp lót (primer) bằng loại vật liệu có tính phân cực cao để bám dính tốt hơn với keo tráng.
- Bề mặt không bám bụi sẽ cho độ bám dính tốt hơn so với những bề mặt nhiễm phấn bụi.
- Bề mặt nhiễm dầu, nhớt, sáp,... (những vật liệu có tính cách dính) làm suy giảm nghiêm trọng độ bám dính của lớp tráng ghép.
- Với một số loại màng có sử dụng các loại phụ gia có tính di hành ra bề mặt như: chất kháng nhiễm tĩnh điện, chống đọng sương,... thì chúng cũng sẽ làm suy giảm tính bám dính của quá trình tráng.
- Với một số loại màu dye (màu hòa tan) khi sử dụng vượt mức bão hòa chúng cũng sẽ di hành ra bề mặt làm giảm độ bám dính.
- Bề mặt có tính dàn hồi, co giãn cũng làm độ bám dính suy giảm, vì trong khi tráng chúng thường ở trạng thái kéo căng so với điều kiện sử dụng.
.- Bề mặt ấm sẽ bám dính tốt hơn bề mặt nguội
2.. NHIỆT ĐỘ TRÁNG GHÉP
Nhiệt độ tráng ghép được hiểu là nhiệt độ của dòng nhựa lỏng của nhựa tráng. Ở nhiệt độ tráng cao hơn thì độ kết bám dính sẽ cao hơn, là do:
- Độ linh động của nhựa: Ở nhiệt độ cao nhựa tráng linh động, đặc biệt là các đuôi của các phân tử nhựa, điều này giúp chúng thấm ướt bề mặt cần tráng được tốt hơn.
- Khả năng tạo phân cực do quá trình oxy hóa bởi không khí. Ở nhiệt độ càng cao, khi dòng nhựa tráng tiếp xúc với không khí chúng sẽ bị oxy hóa mạnh hơn, tạo phân cực cao hơn, tạo kết dính tốt hơn.

Nhưng cần lưu ý một số vấn đề khi tăng cao nhiệt độ tráng:
- Ở nhiệt độ cao mà không đi kèm với quá trình giảm nhiệt đủ thì sẽ gây tích nhiệt cuộn màng, giòn màng,...
- Ở nhiệt độ quá cao thì bề mặt nhựa bị oxy hóa mạnh, nên tuổi thọ của lớp tráng cũng suy giảm, do quá trình thoái hóa vẫn tiếp tục phát triển sau quá trình tráng ghép.

3..QUÁ TRÌNH GIẢI NHIỆT
Quá trình giải nhiệt xảy ra chủ yếu trên lô thép và một phần trên bề mặt lô ép cao su. Khi nhiệt độ của các lô giải nhiệt rất thấp thì nhựa tráng sẽ bị sốc nhiệt làm suy giảm độ bám dính.
Đặc biệt khi tráng ghép với định lượng thấp (số gam trên mỗi mét vuông diện tích tráng ghép thấp) thì nhiệt độ lô thấp sẽ làm suy giảm độ bám dính nghiêm trọng, do lớp nhựa tráng nguội trước khi chúng tạo các liên kết với bề mặt cần tráng.

4.. ĐẶC TÍNH CHẢY CỦA NHỰA TRÁNG
Với nhựa tráng có chỉ số chảy càng cao, tức phân tử lượng thấp, nên số lượng đuôi phân tử nhiều giúp chúng tạo kết dính tốt hơn.

5.. LỰC ÉP LÔ 
Lực ép của lô cao su trên bề mặt lô thép là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến việc ép chặt keo tráng lên bề mặt vật cần tráng.

Lực ép lô cao sẽ giúp cải thiện độ bám dính tráng ghép, tuy nhiên cần phải đảm bảo lực ép trên không làm biến dạng (kể cả biến dạng đàn hồi) các lớp vật liệu cần tráng. Nếu lực ép lô gây biến dạng vật liệu cần tráng sẽ làm phát sinh việc đứt khúc và tạo vết rách tế vi của lớp keo tráng ghép, làm suy giảm lực kết dính.

6.. QÚA TRÌNH OXY HÓA LỚP KÉO TRÁNG LỎNG
Quá trình oxy hóa này xảy ra ở vùng tiếp khí (Air Gap), nằm giữa mép khuôn với vị trí tiếp xúc giữa lô thép và lô ép cao su. Quá trình oxy hóa giúp phân cực bề mặt lớp nhựa lỏng, nên giúp tăng độ bám dính. {Có thể tham khảo thêm vấn đề này TẠI ĐÂY.}


Như hình ta thấy cần phải điều chỉnh độ cao vùng tiếp khí cho phù hợp sẽ đạt được độ bám dính tối đa. Khi vùng tiếp khí ngắn, quá trình oxy hóa thấp, cũng bám dính không cao. Nhưng để khoảng tiếp khí quá dài thì lớp nhựa tráng lỏng sẽ giảm nhiệt độ, cũng gây ra suy giảm độ bám dính.

7.. TỐC ĐỘ TRÁNG
Tốc độ tráng là một yếu tố tác động đại diện tổng thể của nhiều yếu tố. Khi tráng ở tốc độ cao, tức
- Thời gian tiếp khí của lớp nhựa lỏng giảm, quá trình oxy hóa giảm, cũng giảm độ bám
- Thời gian ép bởi lô tráng cũng giảm, nên cũng giảm bám dính
- Thời gian giải nhiệt trên lô ngắn, lại là yếu tố có tác dụng tăng độ bám dính.
Nhưng tổng hợp các yếu tố tác động thì người ta cho thấy tốc độ tráng cao làm suy giảm độ bám dính.

8.. ĐỊNH LƯỢNG TRÁNG (làm trọng lượng gam nhựa phủ trên 1 mét vuông bề mặt tráng).
Định lượng tráng thấp, tức lớp keo tráng mỏng, chính vì thế nhiệt lượng mang theo của lớp keo tráng không nhiều, chính vì thế chúng không đủ hoạt hóa nhiệt bề mặt của lớp vật liệu cần tráng. Lớp keo tráng quá mỏng dễ bị nguội và làm suy giảm nghiêm trọng độ linh động của nhựa lỏng, làm suy giảm độ bám dính.
Trong một số tình huống đặc biệt, khi tráng định lượng thấp họ phải phủ áo bề mặt cần tráng lớp kết dính (primer).


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tư duy phản biện

Ngày nay người ta nói nhiều đến tư duy phản biện, như là một phương cách tư duy để nhìn thấu trọn vẹn mọi vấn đề. Theo định nghĩa, thì tư du...