Thép đỏ dễ uốn - 27/5/24
Cận bảo vệ tốt nghiệp, ông bố cũng hồi hộp, trong trạng thái không thể tả nỗi. Rồi khi lén theo dõi con trên mạng xã hội, ông càng lo lo khó tả, bởi nó hùa theo "đú trend" mạo phạm 'chân tu'.
Ông suy nghĩ, chẳng biết nói thế nào, khi nào, tiếp cận vấn đề ra sao để nó bước ra lề cơn sóng vô bổ ấy.
Con ông cứng đầu, nói chẳng thể lâu, thì làm sao cho nó thấu. Ông trăn trở, rồi quyết định dụng kế sách "vật chất quyết định ý thức".
Gọi con và đề cập đổi cho nó chiếc Iphone mới, với điều kiện nó đóng vai như người thầy chấm điểm trình bày luận văn tốt nghiệp. Tức nó phải kiên nhẫn lắng nghe tận cuối, rồi mới có ý kiến phản biện hay chất vấn. Và nó đã bắt kèo - đồng ý.
Ông bắt đầu chậm rãi trình bày về tâm hồn của những người có đạo, phân tích cái chân tin đã uốn nắn mọi hành tung tâm tính của họ theo lẽ nhân từ. Hơn nhiều tỷ người - lắm kẻ học cao hiểu rộng cũng đã thấy đó, tin đó và làm điều đó; thì lẽ đó là lẽ chẳng thể sai.
Mà lòng người, thì vẫn phần nhiều chấp nhất bảo thủ; từ đó sự khác biệt tạo ra phật ý và bất đồng. Nay con thấy kẻ gieo lời giông bão, thích đánh trống lớn, mà hùa vào thì chẳng qua là thể hiện chút cái tôi. Nếu những người bên con như bạn bè, thầy cô,... thấy đó là sai, thì con đã đánh mất niềm tin trong họ.
Mà niềm tin không có thì lời con nói như không, việc làm không ai cổ suý. Biển rộng còn sóng thì nhỏ bé, vì thế ta nên thuận theo nhiều người, mà lánh xa những giông tố cuồng phong, thế mới có nhiều người trợ lực trợ sức tin yêu.
Chỉ cần "thấy sai thì lánh" thì sóng nhỏ không hợp thành sóng to, bão giông cũng thế. Lánh xa, thì sóng dữ cô đơn mà hoá lặng. Cũng đừng là kẻ phản kháng, họ cũng chỉ là những kẻ thích nổi tiếng, chẳng khác gì nhau, phải lánh xa. Cha mẹ vì cái lẽ bổn phận và trách nhiệm của người dạy dỗ, thấy sóng dữ mà không thể lánh, mà phải đến gần để kéo con ra.
Cuối cùng ông nói: "Đã trình bày xong, xin thầy cho ý kiến”
Thằng con chỉ lắc đầu, ngồi im….
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét